Làm sao để tự tin với bộ báo cáo tài chính mình đã làm?
Ngày đăng: 11/02/2023 - Tác giả: Nguyễn Thị Huyền
Bạn nên kiểm tra chặt chẽ từ số dư đầu kỳ trên bảng cân đối tài khoản khi tiếp nhận số liệu báo cáo và hãy nhớ sau khi khai báo số dư đầu kỳ chúng ta cũng cần phải kiểm tra lại lần nữa nhé! Tương tự số phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ cũng cần kiểm tra một cách cẩn thận. Nhưng trước tiên cần chuẩn bị những hồ sơ chứng từ sau:
- Bộ báo cáo tài chính năm trước đã nộp
- Sổ sách chi tiết năm trước
- Sổ sách chi tiết năm hiện tại
I. Kiểm tra tổng quan
- Trên bảng cân đối tài khoản Tổng phát sinh bên Nợ = Tổng phát sinh bên Có
- Tổng dư Nợ đầu kỳ = tổng dư Có đầu kỳ = Số dư cuối kỳ trước chuyển sang
- Tổng Phát sinh Nợ trong kỳ = Tổng Phát sinh Có trong kỳ = Tổng phát sinh ở Nhật Ký Chung trong kỳ
- Tổng Số dư Nợ cuối kỳ = Tổng số dư Có cuối kỳ
II. Kiểm tra chi tiết từng tài khoản
Có thể chia các tài khoản trên bảng cân đối làm 5 nhóm: Nhóm tài khoản tồn quỹ, nhóm tài khoản công nợ, nhóm tài khoản tồn kho, nhóm tài khoản tài sản và nhóm tài khoản doanh thu và chi phí.
Nhóm tài khoản tồn quỹ: Gồm các TK 111, TK 112
- Bản chất: Chỉ có số dư bên Nợ cuối kỳ
- Kiểm tra: TK 111 được đối chiếu với sổ quỹ tiền mặt; TK 112 đối chiếu với sao kê ngân hàng hoặc sổ phụ ngân hàng đảm bảo số dư Nợ cuối kỳ = Số dư cuối kỳ trên sổ quỹ tiền mặt và sao kê; không bị âm thời điểm và âm cuối kỳ
- Lưu ý: Nếu TK 111 bị âm thì điều chỉnh ngày chi ra sau ngày thu vào, ghi thêm nghiệp vụ vay tiền.
Nhóm tài khoản công nợ: Trong nhóm này có thể chia thành 3 nhóm nhỏ gồm:
- Công nợ đối tác: Gồm công nợ phải thu của khách hàng TK 131 và công nợ phải trả nhà cung cấp TK 331
- Bản chất: TK 131 và TK 331 có số dư 2 bên Nợ Có
- Kiểm tra: Kiểm tra tổng quan sổ Tổng hợp công nợ sau đó kiểm tra Sổ chi tiết công nợ theo từng đối tượng và đối chiếu với số dư của TK 131 và TK 331 trên bảng cân đối tài khoản. Dư nợ hoặc dư Có của TK 131, TK 331 trên bảng cân đối = Số dư Nợ hoặc Có trên sổ Tổng hợp công nợ
- Lưu ý:
- Một số khách hàng hoặc nhà cung cấp có số dư treo từ đầu năm đến cuối năm không thay đổi thì cần kiểm tra lại xem khoản công nợ đó có thanh toán bằng tiền mặt nhưng chưa hạch toán không?
- Kiểm tra kĩ số dư Có của TK 131 (Tức khách hàng ứng tiền trước hoặc trả thừa tiền) xem có đúng là khoản ứng trước hay hạch toán bị nhầm? Nếu đúng khách hàng ứng trước tiền hoặc cọc tiền thì cần note lại thông tin về hợp đồng, giấy báo có của khoản tiền đó (nếu có) hoặc phiếu thu. Khoản dư Có TK 131 nếu không chứng minh được khi quyết toán sẽ tính vào thu nhập khác của DN (TK 711) và tính thuế TNDN 20%
- Trường hợp khách hàng chuyển tiền vào tài khoản công ty đã thể hiện trên sao kê nhưng lại không lấy hóa đơn cũng gây nên dư Có TK 131. Trường hợp này cần xuất hóa đơn tránh lỗi trốn doanh thu
- Tương tự kiểm tra kĩ trường hợp dư Nợ TK 331 (ứng trước tiền cho nhà cung cấp). Hợp đồng còn dở dang chưa nhận đủ hóa đơn đầu vào hoặc hạch toán thiếu hóa đơn đầu vào sẽ gây nên số dư Nợ TK 331.
- Công nợ nội bộ: Công nợ lương phải trả người lao động TK 334, công nợ BHXH phải trả cho cơ quan Bảo hiểm TK 3383 và các khoản vay ngân hàng TK341
- Bản chất: Thường không có số dư bên Nợ
- Kiểm tra:
- TK 334 có số dư không? Đối chiếu với bảng tính lương, thường không có số dư. Số phát sinh bên Có = Tổng phát sinh trên bảng tính lương
- TK 3383 có số dư không? Đối chiếu với chứng từ BHXH (C12). Khớp với chỉ tiêu 2.2 mục Đ (Số tiền thiếu) trên C12
- TK 341 Dựa vào sao kê vay và giấy nhận nợ sẽ kiểm tra theo chi tiết từng đối tượng hoặc chi tiết theo từng hợp đồng vay. Sao cho tổng tiền vay và tổng tiền đã trả của từng khoản vay phải khớp với sổ giao dịch tiền vay và đảm bảo TK 341 không có số dư bên Nợ
- Lưu ý:
- Có nhiều trường hợp DN trả lương đầu tháng kế tiếp nên hết năm tài chính nhưng tiền lương tháng 12 vẫn chưa thanh toán cho người lao động nên xuất hiện số dư bên Có của TK 334
- TK 3383 không khớp với C12 do các nguyên nhân như: Xảy ra truy thu tăng/ giảm tiền BHXH; Tỷ lệ đóng thay đổi trong năm; Ghi nhận số tiền đã nộp không khớp với C12; Lỗi C12: BHXH ghi nhận nhiều hơn số tiền thực tế phải nộp; Danh sách nhân viên tham gia đang theo dõi không đúng với C12. Tùy vào mỗi trường hợp lại có cách xử lý khác nhau! Cụ thể trường hợp truy thu tăng / giảm:
* Nếu trong năm báo cáo thì hạch toán tiền truy thu BHYT và tiền lãi chậm nộp vào TK 811; các nghiệp vụ còn lại hạch toán thông thường theo tình hình thực tế phát sinh.
* Nếu bị truy thu ngược lại những năm trước dẫn đến ảnh hưởng tới số liệu của các tài khoản liên quan thì cần điều chỉnh lại báo cáo.
* Lưu ý kĩ trường hợp tiền BHXH của giám đốc công ty TNHH 1TV:
=> Nếu truy thu giảm thì không điều chỉnh báo cáo mà điều chỉnh tiền nộp BHXH ở năm hiện tại
=> Nếu truy thu tăng gây ảnh hưởng tới các tài khoản liên quan cần điều chỉnh lại báo cáo
- Công nợ thuế: Gồm các tài khoản liên quan đến tiền thuế như: TK 1331, TK 333
- Bản chất: TK 1331 (Tiền thuế GTGT được khấu trừ) không có số dư; TK 333 có thể có số dư bên Nợ hoặc bên Có
- Kiểm tra:
- TK 1331: Đối chiếu với tờ khai thuế GTGT đã nộp. Số dư TK 133 ( Nếu có ) trên bảng cân đối tài khoản = Chỉ tiêu 43 trên tờ khai 01/GTGT tháng 12 hoặc quý 4 nếu kê khai đúng kỳ phát sinh.
- TK 333: Số dư bên có của TK 3331 (Nếu có) trên bảng cân đối tài khoản = giá trị trên chỉ tiêu 40 ( Thuế GTGT còn phải nộp trong kỳ ) trên tờ khai 01/GTGT tháng 12 hoặc quý 4. Kiểm tra lệ phí môn bài đã hạch toán chưa? Thuế TNCN phải nộp có khớp với tờ khai Quyết toán TNCN chưa?
- Lưu ý:
- Một số trường hợp số dư TK 1331 không khớp với chỉ tiêu 43 trên tờ khai thuế GTGT, nguyên nhân do: Kê khai không đúng kỳ phát sinh; Xuất hiện các hóa đơn khác năm, ngày hạch toán, ngày hóa đơn, ngày kê khai khác nhau; điều chỉnh tờ khai nhiều lần
- Một số trường hợp số dư TK 3331 không khớp với chỉ tiêu 40 trên tờ khai thuế GTGT do doanh nghiệp nợ thuế, tiền thuế nợ dồn lại từ các quý đầu năm.
Nhóm Tồn kho: Thường gặp các tài khoản TK 152, TK 153, TK 155, TK 156, TK 157,...
- Bản chất: Nhóm tài khoản này không có số dư bên Có.
- Kiểm tra: Cần đối chiếu những tài khoản này với sổ Tổng hợp nhập xuất tồn. Dư Nợ đầu kỳ của tài khoản TK 152, 153, 155, 156, 157 trên bảng Cân đối tài khoản = Tồn đầu kỳ của sổ Tổng hợp nhập xuất tồn 152, 153, 155, 156, 157. Đảm bảo không bị âm kho cuối kì và âm kho theo thời điểm.
- Lưu ý: Nguyên nhân âm kho có thể do: Sai tỉ lệ chuyển đổi ĐVT với những mặt hàng có nhiều đơn vị tính, trường hợp này cần check lại và khai báo tỉ lệ chính xác. Thứ hai có thể do chọn sai mặt hàng khi nhập liệu dẫn đến đơn giá mua, bán bất thường. Cần sửa lại hóa đơn nhập sai cho thật chính xác. Thứ ba khi mặt hàng có tên gần giống nhau, có thể bạn khai báo nhầm tên mặt hàng dẫn đến 1 mặt hàng tồn kho, 1 mặt hàng lại bị âm kho. Bạn cần sửa lại hóa đơn sai, đưa về 1 tên mặt hàng duy nhất. Cuối cùng có thể bạn bị thiếu hóa đơn đầu vào, trường hợp này bạn có thể lấy hóa đơn bán lẻ để xử lý kho hàng. Tuy nhiên những hóa đơn này không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN vì vậy cần loại những chi phí này trước khi lập tờ khai quyết toán thuế TNDN
Nhóm tài khoản tài sản: Chia thành 2 nhóm nhỏ: Tài khoản liên quan đến TSCĐ và Tài khoản liên đến CCDC
- Nhóm tài khoản liên quan đến TSCĐ: TK 211 (TSCSS), TK 214 ( Hao mòn TSCĐ)
- Bản chất: TK 211 dư bên Nợ, TK 214 dư bên Có
- Kiểm tra:
- Đối chiếu số dư TK 211 và TK 214 với bảng trích khấu hao TSCĐ.
- Dư Nợ TK 211 trên bảng cân đối tài khoản = Nguyên giá của TSCĐ trên bảng trích khấu hao
- Số Dư Có cuối kỳ của TK 214 trên bảng cân đối tài khoản = Số dư cuối kỳ của bảng trích khấu hao tài sản cố định.
- Nhóm tài liên quan đến CCDC: TK 242 (Chi phí trả trước)
- Bản chất: TK 242 không có số dư bên Có
- Kiểm tra:
- Đối chiếu với bảng phân bổ.
- Số Dư Nợ cuối kỳ của TK 242 trên bảng cân đối = Số tiền còn lại trên Bảng phân bổ
- Kiểm tra các CCDC đã phân bổ đủ tháng hay chưa?
- Lưu ý: Một số trường hợp chênh lệch TK 242 và bảng phân bổ có thể do các nguyên nhân: hạch toán hóa đơn liên quan đến TK242 nhưng chưa khai báo CCDC trên phần mềm kế toán hoặc ngược lại đã khai báo CCDC nhưng chưa hạch toán TK 242.
Nhóm tài khoản doanh thu và chi phí: TK 511, TK 711, TK 632, TK642, TK 811
- Bản chất: Những tài khoản này không được có số dư
- Kiểm tra:
- TK 511 và TK 7111: Phát sinh Có của TK511 và TK 711 của từng kỳ phải bằng chỉ tiêu hàng hóa, dịch vụ bán ra trên bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra hoặc tờ khai thuế GTGT từng kỳ
- TK 632: Với doanh nghiệp thương mại thì phát sinh Có TK 156 = phát sinh Nợ TK 632; Với doanh nghiệp sản xuất (thành phẩm nhập kho) thì phát sinh Có TK 155 = phát sinh Nợ TK 632
- TK 642: Kiểm tra lại các hóa đơn trị giá trên 20 triệu có thanh toán qua ngân hàng hay thanh toán bằng tiền mặt, nếu thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
- TK 811: Kiểm tra lại những nghiệp vụ đã hạch toán vào tài khoản này thực tế có là chi phí được trừ hay cần loại ra (trên chỉ tiêu B4 của tờ khai quyết toán thuế TNDN)?
- TK 821: Số phát sinh Nợ = Số thuế TNDN phải nộp trên tờ khai Quyết toán thuế TNDN
- Lưu ý: Có thể đã làm bút toán kết chuyển nhưng còn nhập thêm hoặc sửa dữ liệu dẫn đến tài khoản trên vẫn còn số dư; chưa kết chuyển hoặc kết chuyển sai cũng dẫn đến xuất hiện số dư của các tài khoản trên.
Trên đây là cách kiểm tra lại báo cáo tài chính cuối năm mà Tokado muốn chia sẻ với các bạn. Chúc các bạn một mùa báo cáo tài chính thành công. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin khác liên quan đến kế toán tại các kênh sau:
- Website: https://tokado.vn/
- Fanpage: https://www.facebook.com/KetoanTokado
- Youte: https://www.youtube.com/@ketoantokado
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@ketoantokado.
Nếu cần hỗ trợ xin liên hệ: 0365.447.669! Tokado luôn sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc!